Âm nhạc Hùng_Lân

Những sáng tác của Hùng Lân thường là các bản nhạc vui trẻ, như "Hè về", "Xóm nghèo"... Ông rất ít viết các bản tình cảm ủy mị, nhưng cũng để lại một vài bài như "Hận Trương Chi", "Sầu lữ thứ"...

Theo nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc phẩm của Hùng Lân có thể tạm chia ra ba loại:

  • Loại tình cảm cá nhân như "Sầu lữ thứ", "Hận Trương Chi"... Bài thứ hai không đặc sắc lắm vì đáng lẽ phải tả tình (anh Trương Chi hay cô Mỵ Nương) thì Hùng Lân chỉ tả cảnh.
  • Loại tình cảm thiên nhiên như "Vườn xuân", "Trăng lên", "Một mùa xuân huyền ảo"... Tác giả là nhà mô phạm nên ca khúc không đủ lãng mạn tính của thời đại nên không quyến rũ người nghe.
  • Loại kêu gọi thanh niên như "Rạng đông", "Tiếng gọi lên đường", "Hè về", "Khoẻ vì nước", "Mùa hợp tấu", "Việt Nam minh châu trời đông"... Về sau, những bài này được in ra trong hai nhạc tập mang tên Đời trai và Học sinh, dành riêng cho thanh, thiếu niên và nhi đồng, khi ông làm việc cho Trung tâm Học liệu của Bộ Quốc gia Giáo dục. Đây là loại ca khúc thành công nhất của Hùng Lân.

Theo tài liệu của gia đình và các bạn bè, Hùng Lân có khoảng 900 tác phẩm và rất nhiều bản đã bị thất truyền. Có thể kể ra một số bài nổi tiếng như "Rạng đông" được viết năm 1943, được giải thưởng Sáng tác của Hội Khuyến nhạc Hà Nội. "Việt Nam minh châu trời đông", được giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc năm 1944, được đề cử làm quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa. Cùng các ca khúc như "Khoẻ vì nước", "Cô gái Việt'"...

Về thánh ca, ngoài tác phẩm "Ca vang lời Chúa 1, 2 và 3", nhạc sĩ Hùng Lân còn 80 bài Thánh Vịnh ứng tác. Ông cũng là người khởi xướng và phát huy phong trào dùng tiếng Việt trong thánh ca. Ông chính là người viết lời Việt cho bài "Silent Night" nổi tiếng với tên "Đêm thánh vô cùng". Năm 1945, Hùng Lân người sáng lập Ca đoàn Lê Bảo Tịnh tại Hà Nam.

Ông cũng viết khá nhiều nhạc cho nhi đồng, nổi tiếng là những bài "Em yêu ai", "Thằng Tí sún", "Con cò", "Ông trăng thu"... Tập nhạc Vui ca lên là nhạc Hùng Lân biên soạn cho thiếu nhi. Nhạc sĩ Hùng Lân cũng đã phụ trách chương trình Phát thanh Học đường cho trẻ em, thiếu niên ở đài phát thanh Sài Gòn VTVN.

Nhạc sĩ Hùng Lân cũng là người nghiên cứu, viết nhiều cuốn sách về âm nhạc. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông. Theo một bài báo trên của tờ Thanh Niên: "Một trong những người tham khảo tài liệu nhiều nhất để soạn nhạc lý là nhạc sĩ Hùng Lân để nghiên cứu đề xuất một phương pháp mới dạy nhạc cho thanh niên vào năm 1979".